top of page

 

Thiền Vipassana- Con đường duy nhất.

 

 

Trích dẫn từ kinh “ Đại Niệm Xứ” (Maha Satipatthana Sutta):

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại xứ Kuru.... Tại đó Đức Phật đã dạy các thầy tỳ khưu như vầy:

“Này các thầy Tỳ-khưu”

Và các thầy Tỳ-khưu thưa: “ xin vâng, bạch Thế-Tôn”

và đức Thế Tôn đã nói như sau:

“ Đây là con đường và là con đường duy nhất … để thanh-lọc tâm chúng-sinh, chấm dứt lo âu phiền-muộn, uất-ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh Đạo và giác-ngộ Niết-bàn. Đó là Tứ Niệm Xứ”. (chấm dứt trích đoạn)

 

Người tập thiền có thể tự hỏi “ tại sao con đường nầy là con đường duy-nhất ?

Để có thể trả-lời cho thắc- mắc nầy, thử trở lại với cuộc sống xả-hội và tìm hiểu vì sao phải được chấp-nhận và hoàn-thành chương-trình học của các đại-học Y-khoa mới được cấp bằng hành-nghề chăm sóc chửa bịnh cho mọi người. Các trường đại học y khoa, dù với các tên gọi khác nhau, nhưng đều có một chương-trình giảng dạy và thực-tập tương đối giống nhau về sự hoàn chỉnh, tính khoa học, và bao quát, cung ứng cho sinh viên một sự hiểu biết toàn diện về thân-thể con-người, sự phát-triển của cơ-thể, tâm sinh-lý từ giây phút đầu tiên mới chào đời cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Tất cả mọi hiểu biết hiện đang có về nguyên-nhân, các cơ chế vận hành, lây truyền của các chứng bệnh, đều được truyền-đạt. Dựa trên những kiến thức đó, các phương tiện, các dược phẩm, các phương pháp điều trị, các phương pháp giải phẩu được giảng dạy. Do đó, hoàn-thành chương-trình y khoa là con đường duy-nhất để được cấp chứng-chỉ hành nghề.

Tương-tự như vậy, khi thực-hành thiền “Bốn lảnh-vực quán-sát” (Thiền Vipassana hay còn gọi là thiền Tứ Niệm Xứ) người tập sẽ được chỉ dẫn để nhận-biết, quán sát, suy gẫm về những gì đã, đang xảy diễn ra trên bốn lảnh vực thân, cảm thọ, tâm và pháp. Tính bao quát và toàn diện của thiền “bốn lảnh vực quán sát" thể hiện ở ngay trong bốn lảnh vực nầy. Không có gì hiện diện hoặc xảy diễn ra ở trong thế gian nầy mà không nằm trong bốn lảnh vực được quán sát. Nhận diện, quán sát và suy gẫm về các hiện tượng thuộc bốn lảnh vực nầy để đạt đến sự hiểu biết về bản chất thật sự (reality, noumenon) của chúng là đã hiểu biết bản chất thật sự của cái thế gian nầy.

Quán sát và suy gẫm dưới ánh sáng của sự tỉnh thức đơn thuần (right mindfulness) về các đối tượng thuộc lảnh vực pháp sẽ làm phát triển sự hiẻu biết về các nguyên lý, cơ duyên, nghiệp.. và sự nối kết, liên hệ sinh diệt của các đối tượng thuộc ba lảnh vực thân thọ và tâm. Chính sự hiểu biết nầy theo thời gian hành thiền sẽ bào mòn dần ảnh hưởng của cái “ta” cái ngả đã ngự trị trong tâm mỗi chúng sinh.

Quán sát và suy gẫm dưới ánh sáng của sự tỉnh thức đơn thuần (right mindfulness) các đối tượng thuộc lảnh vực cảm thọ sẽ làm phát triển sự hiẻu biết về liên hệ nhân quả giữa đối tượng và phản ứng của tâm, nhờ đó sẽ nhận diện được căn nguyên của mọi sự phiền nảo, đau khổ của chúng sinh.

Yếu tố quan trọng nhất để thiền bốn lảnh vực quán sát trở thành con đường duy nhất để thanh lọc tâm, chấm dứt lo âu phiền muộn là sự hình thành trong tâm người tập, qua thời gian dài công phu tinh tấn, bền bỉ, con đường tám thánh đạo ( Noble eightfold paths). Ngay từ lúc manh nha thành hình, con đường nầy trở thành một đối trị của tám pháp thế gian. Trước mọi đối tượng, mọi vấn đề của cuộc sống thế gian, một sự tranh chấp để tạo ảnh hưởng lên các cảm thọ và thái độ của tâm giữa con đường thánh đạo và con đường thế gian sẽ xảy ra. Sự tranh chấp nầy rất khác với sự đè nén không cho cảm xúc ví dụ sự tức giận bùng phát ra ngoài. Người không có kỹ năng thiền và không muốn sự tức giận lan tỏa ra cho các người chung quanh, sẽ chọn lựa  sự đè nén bằng cách nghĩ sang một vấn đề khác, hay đi khỏi nơi đang gây ra sự tức giận.  Sự tức giận bị đè nén đẩy vào sâu trong tâm, sẽ tiếp tục âm ỉ hoạt động tạo cảm giác bất an, khó chịu, dễ bị kích động. Với người có kỹ năng hành thiền, sự hiểu biết : tức giận chỉ là một phản ứng tự nhiên của tâm đã lâu năm bị điều kiện hóa theo thế gian pháp, (kết quả của sự quán pháp) do sự xuất hiện của đối tượng (cái nhân). Chỉ có sự tức giận mà không có ai tức giận cả (right view). Sự hiểu biết ("understanding"), và sự tỉnh thức (right mindfulness) sẽ rút đi năng lượng đang được cái ta cái ngả cung ứng cho phản ứng của tâm. Do đó sự tức giận tự nó sẽ tan đi. Một cảm nhận dễ chịu, thoải mái len vào tâm, vì tâm ở trong sự chánh định (right concentration). Phần thắng thuộc về con đường nào là tùy theo trình độ, thời gian tu tập cho đến ngày nào bát thánh đạo hoàn toàn chế ngự tâm, người tập thành đạt sự giải thoát.

Khi nhìn những người ngồi yên lặng, kiên-trì theo đuổi việc hành thiền năm này qua năm khác, họ đã chứng tỏ có đủ phước duyên và đã tạo đủ nghiệp lành để cuối cùng đi đến con đường “bốn lảnh-vực quán-sát”, con đường tự chiến đấu với chính bản thân để dần dần thay thế những cái nhìn, tư-duy củ bằng những cái nhìn và tư-duy của thánh-đạo. Một trong những điều-kiện cần thiết để có thể theo đuổi con đường nầy là phải có một động-cơ đúng đắn, đến từ cái nghiệp của người tập, làm sống dậy những đức tính tốt tiềm-ẩn trong tâm, giúp người tập chịu đựng những sự đau đớn khi ngồi, những khó khăn đến từ cái tâm tham sân si. Động cơ tập thiền để chửa chứng mất ngủ hoặc để điều-trị một căn bệnh thường không phải là một động-cơ bền vững vì người tập sẽ ngưng tập thiền khi đối diện với nhiều khó khăn mới.

Sự chia sẻ xin dừng lại nơi đây vì bài viết được viết dựa trên nhừng hiểu biết có được do sự thực tập nên còn rất giới-hạn.

Sống trong một xã-hội văn-minh với đa số dân chúng có nền giáo-dục tương-đối cao, chỉ cần để tâm chú-ý sẽ dề-dàng nhận ra sự hiện-diện của khá nhiều nhà thờ, thánh-đường, thánh-thất, chùa chiền tu viện mới xây dựng hoặc đã tồn tại như những di tích ngàn năm; đủ mọi tầm cở, từ nhỏ bằng một ngôi nhà đến to lớn vĩ đại chiếm-lỉnh những khoảng không gian rộng lớn trong những khu vực đất đai quý giá. Điều đó, dù được che đậy bởi những cách giải-thích hoa-mỹ khác nhau nhưng chung-quy cũng nói lên sự băn-khoăn thầm-kín kéo dài từ thế-hệ nầy sang thế hệ khác của con người muốn tìm một nơi tốt đẹp cho mình sau khi từ-giả thế-gian nầy.

Những tiến-bộ ngoài sức tưởng-tượng của khoa học càng ngày càng hé lộ ra những câu trả lời về những bí-ẩn của thiên-nhiên, của vủ-trụ. Sự bùng nổ thông tin và hiểu-biết càng ngày càng làm con người sáng suốt hơn, độc-lập hơn trong suy-tư, suy-nghĩ. Tinh-thần “do it yourself” đã có ảnh-hưởng trên các lảnh-vực tinh-thần khác của con người. Trong bối-cảnh đó, Thiền bốn lảnh-vực quán-sát, đặt nền-tảng trên sự tự mình tìm lấy câu trả-lời cho những vấn-đề sống chết, hạnh-phúc và đau khổ của con người, đã có cơ duyên du-nhập vào các nước phương tây, được tìm hiểu ứng-dụng lợi-ích của sự tỉnh-thức để nâng cao năng-suất làm việc tại các cơ-sở khoa-học điện-tử lớn, để giúp điều-trị một số vấn-đề tâm-thần tại các viện đại-học, cơ-sở nghiên-cứu. Số lượng người tham-gia tìm hiểu và thực-hành thiền bốn lảnh-vực quán-sát gia-tăng từng ngày đã mở ra một triển-vọng cho sự tự điều-chỉnh thanh-lọc tâm để người tập cảm-nhận nhẹ-nhàng, tốt đẹp hơn trong cuộc sống càng ngày càng phức-tạp do sự tiến-bộ và văn-minh vật-chất đem lại.

Tháng 6 năm 2016

 

 

Home             Vietnamese version

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

bottom of page